Thanh Hóa: 8X gắn “sao” OCOP cho sản phẩm đông trùng hạ thảo
Khi nhắc đến mô hình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của anh Nguyễn Văn Tuấn ở huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa) hầu như ai cũng biết. Anh Tuấn tự nghiên cứu để sản xuất thành công các sản phẩm như: Đông trùng hạ thảo sấy khô Đăng Khoa, rượu đông trùng hạ thảo Đăng Khoa…Đây là những sản phẩm hướng tới gắn “sao” OCOP.
Lắp điều hòa nuôi cấy đông trùng hạ thảo
Đông trùng hạ thảo là tên gọi của một dạng cộng sinh giữa một loài nấm với ấu trùng của một loài côn trùng vào mùa đông, nấm ký sinh vào sâu non, ăn hết chất dinh dưỡng và làm chết sâu non.
Đến mùa hạ, nấm bắt đầu mọc lên, và trồi lên mặt đất. Chính vì mùa đông là trùng, mùa hạ là thảo nên được gọi đông trùng hạ thảo.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Để nuôi cấy đông trùng hạ thảo thành công, trước tiên phải chuẩn bị nguyên liệu như: Gạo lứt, nhộng tằm, nước dừa, các loại Vitamin tinh khiết…được lựa chọn công phu, đảm bảo chất lượng và có nguồn gốc rõ ràng.
Tiếp theo các công đoạn phối trộn cơ chất nuôi thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất, từ tỷ lệ phối trộn đến thời gian hấp, công đoạn cấy phôi, phải đảm bảo nhiệt độ môi trường nuôi dưỡng”.
Cũng theo anh Tuấn, việc chăm sóc, nuôi cấy đông trung hạ thảo đòi hỏi phải đúng khoa học. Phòng ủ tơ duy trì nhiệt độ phòng ủ từ 250c, độ ẩm 90%, giữ tối cho đến khi sợi nấm lan đều và phủ kín bề mặt (khoảng 5-7 ngày) .
Sau đó chuyển sang phòng nuôi sáng duy trì nhiệt độ 18-250c, độ ẩm 90% và chiếu sáng 2000 lux cho đến khi bề mặt xuất hiện các chồi nấm, tiếp tục chiếu sáng 12-14 giờ/ngày cho đến khi thu hoạch.
Thông thường sau khi chuyển sang phòng nuôi và chiếu sáng 14 ngày thì sợi nấm chuyển màu vàng và hình thành thể quả. Khi thể quả bắt đầu hình thành bào tử thì tiến hành thu hoạch, dùng dao chuyên dụng cắt riêng phần thể quả và giá thể.
Được biết, năm 2018, anh Nguyễn Văn Tuấn đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng với diện tích 200 m2 và các thiết bị kỹ thuật cho việc nuôi cấy đông trùng hạ thảo như: Máy lắc, nồi hấp, điều hòa, giá nuôi.
Hiện tại, phòng nuôi trồng anh Tuấn bố trí 4 giàn nuôi cao 40cm, rộng 60cm, mỗi giàn được bố trí đèn led. Do áp dụng nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, đông trùng hạ thảo do anh Tuấn nuôi cấy phát triển đạt tỷ lệ 80%, chỉ sau hơn 2 tháng kể từ khi nuôi đã có thể cho thu hoạch.
Như anh Nguyễn Văn Tuấn trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, mỗi tháng gia đình anh xuất bán gần 1.000 hộp nấm đông trùng hạ thảo tươi, 1 đến 2 kg nấm đông trùng hạ thảo khô, với giá bán 200 nghìn đồng/1 hộp tươi và 50 triệu đồng/1kg khô, doanh thu khoảng 200 triệu đồng/tháng.
Qua tìm hiểu của phóng viên, đông trùng hạ thảo có chứa thành phần protein, axit trùng thảo, đồng, kẽm, sắt, mangan, cordycepin, canxi, trace elements, 18 loại axit amin vô cùng dồi dào. Nhờ đó, đông dược này có tác dụng bồi bổ cơ thể, tráng dương, ngăn ngừa lão hóa và điều trị rất nhiều căn bệnh của con người.
Đông trùng hạ thảo, cùng với Linh chi, Nhân sâm và Tam thất…chúng tạo thành “bộ tứ thần dược” có tác dụng rất tốt đến sức khỏe con người. Sách Y học Cổ truyền của Trung Quốc từ xa xưa đã coi đông trùng hạ thảo là vị thuốc “cải lão hoàn đồng”, “hồi xuân, sinh lực” có tác dụng “Bổ phế ích can, bổ tinh điền tuỷ, chỉ huyết hóa đàm, “Bổ phế ích thận, hộ dưỡng tạng phủ”…